Thưa Quý vị, sở dĩ Loan thực hiện CD “Vẫn Thương Màu Áo Trận” là để tưởng niệm đến tất cả những ngườI lính VNCH đã hy sinh cho chúng ta có được sự hiện hữu tốt đẹp hôm nay trên xứ lạ quê người. Có rất nhiều bản nhạc, bài thơ nói về đời Lính. Tuy nhiên, theo Loan nghĩ thì có vẻ bóng bẩy và văn hoa quá. Thật ra đời lính phải luôn luôn đối đầu với những gian nan vất vả, mà ít được ai nhắc đến. “Tay ghì súng, nghe mùi tang tóc đâu đây! Trong tâm khảm của người lính luôn mong ước hậu phương được yên vui, mọi người dân có được những bữa cơm, giấc ngủ thật bình yên không bị quấy nhiễu bởi đạn pháo của quân thù. Để rồi những ngày dạo phố cùng người yêu bé bỏng không còn bị giới hạn vì giờ giới nghiêm. Niềm tâm sự của người lính quả thật rất đơn sơ!
KHÁCH THĂM VIẾNG
100,000

Tiếng hát Mai Loan

18/04/20171:19 SA(Xem: 12184)
Nhiều người nói thương yêu lính nhưng mấy ai có tấm chân tình tỏ lộ qua tiếng hát thiết tha, nồng nàn, diễn tả bằng lời ca điệu nhạc lòng thương yêu lính ân cần cảm động như tiếng hát Thanh Loan?...  Bởi Thanh Loan thực lòng yêu thương và ngưỡng mộ những hy sinh kỳ vĩ của người lính Việt Nam Cộng Hòa.  Trong suốt chiều dài chiến tranh tàn khốc, biết bao nhiêu cái chết anh hùng của người lính, biết bao nhiêu sự hy sinh quả cảm, âm thầm hay chói sáng của những người lính miền Nam gan dạ, hào hùng và lẫm liệt, không ngôn ngữ nào diễn tả cho đủ, không văn chương nào nói ra cho hết.
 
Thanh Loan được sinh ra và lớn lên trong thời chiến, trong cuộc đối đầu chủ nghĩa, xung đột Nam Bắc đầy khổ đau, bất hạnh, bi thương, tang tóc của đất nước.  Cho dù không trực tiếp va chạm với súng đạn và chiến tranh, cô bé học trò trung học cũng thấu biết mức độ hãi hùng bi thảm của cuộc tương tàn đẫm máu và vô ngần thương cảm cho thân phận những người trai trẻ lên đường đi theo tiếng gọi núi sông, gió sương gian khổ, hẩm hiu gục ngã nơi đầu rừng xó núi, xương phơi rã mục chốn thảo nguyên, trên bãi ruộng, bờ sông hay tan tác cùng con tàu tung nổ giữa lưng trời… để lại gia đình, bạn hữu, vợ con hay người yêu một trời đau khổ, tiếc thương, tưởng nhớ.
 
Chúng ta đã mất quê hương, đã xa đất nước, rầu buồn sống đời lưu lạc, thương cho vận nước hẩm hiu, tiếc cho công lao chiến sĩ và bùi ngùi hoài vọng về khung trời yêu dấu ngày xưa.  Những người lính chiến sống còn sau cuộc tương tranh, hôm nay trên đất nước người, đếm xem đã bao nhiêu ngày tháng tủi buồn nghĩ nhớ đến quê hương, thương tiếc bạn bè đồng đội còn sống hẩm hiu khổ nhục trong miền đất quê hương chẳng biết dung người ấy hay đã về nơi vĩnh cửu, tiếc tưởng một thủa tung hoành trên các nẻo chiến trường tạo những chiến thắng lẫy lừng… để ngậm ngùi và thấy bồi hồi rung động khi nghe tiếng hát Thanh Loan với những bài ca về Lính.
 
Những bài ca đầy nhắc nhớ ngày xưa.  Những lời ca hoài niệm một thời vàng.  Thời của chúng ta có Saigon, có Việt Nam, có những mầu áo trận còn bám đầy phấn bụi sa trường đi trong thành phố.  Có thướt tha những chiếc áo dài duyên dáng và vành nón e ấp che dấu nụ cười bẽn lẽn của những cô gái xuân thì đang tuổi cài trâm mến yêu đời lính.
 
Thanh Loan hát những bài ca của Lính, cho Lính và Người Yêu Của Lính, mượn âm nhạc để nói lên những lời tri ân muộn màng nhưng cảm động, chân thành của những người yên bình sống ở hậu phương.  Tiếng hát Thanh Loan như tiếng con chim nhỏ, không phải “ngứa cổ hót chơi”, mà là tiếng hót lảnh lót trên ngọn cây rừng ca ngợi bình minh, ca ngợi công lao cùng những hy sinh vĩ đại của người lính VNCH hiến dâng cho đất nước.   
 
Thanh Loan hát.  Giọng hát đó không chỉ là tiếng hát thôi đâu.  Có thể là tiếng hát không hay bằng, sánh với, giống như những tiếng hát của những người ca sĩ đã thành danh và điêu luyện.  Mà chỉ khiêm nhường và giản dị xem như tiếng hát học trò thủa nào nơi thành phố đó, ở chốn quê xưa, tổng hợp của tất cả những thứ tình chân thật.  Tình em gái hậu phương.  Tình trong sáng của cô bé học trò gửi cho người lính chiến không biết mặt đang xông pha nơi phương trời lửa đạn xa mù tắp.  Tình của người yêu bé nhỏ dễ thương của Lính ngồi trong khung cửa nhớ mong người tình hiên ngang lặn lội nơi gió cát.  Tình người vợ trẻ nhớ thương chồng gian khổ trên bước hành quân, tim chĩu nặng âu lo cùng những lời cầu mong sớm có cuộc trùng phùng…
 
Cái hạnh phúc khổ đau của Lính và người yêu thương Lính đã được Thanh Loan diễn tả qua những bài hát về Lính và cho Lính.  Hát tự nhiên.  Hát với cả tâm hồn.  Hát như nói lời âu yếm thủ thỉ, hát như  tiếng cười ngọt ngào nũng nịu đầy nhớ thương, kể lể tâm tình.  Hát lời vang lên tự đáy tâm hồn, tự phần sâu kín trong trái tim nồng nàn sôi nổi những thương yêu đằm thắm dành cho người tình chinh chiến  ngày xưa của một thời đất nước không bình yên, của một đời trai trẻ truân chuyên theo vận nước.  Của những người trai thế hệ quên bỏ tình yêu, tương lai, sự nghiệp cùng những thú vui riêng, lao mình vào chốn cùng hiểm nguy, phóng mình vào nỗi chết cho giải đất miền Nam được tồn tại, người dân miền Nam được sống còn.
 
Tiếng hát Thanh Loan là niềm vui bé mọn nhưng vô cùng thắm thiết, là niềm an ủi êm đềm cho những người chiến sĩ sau cuộc biển dâu đem thân lưu lạc, kiếm cung gác bỏ, bụi phong trần rũ sạch, tóc đầy sợi bạc, dung nhan đã hoàng hôn, lòng trầm lắng xuống rất nhiều…  Đêm về ủ dột bùi ngùi nhớ về khung trời dĩ vãng với chập chùng tưởng tiếc tuổi thanh xuân vừa từ giã sách đèn bước vào đời binh nghiệp, xông pha chiến đấu khắp mọi miền đất nước…  Nghe tiếng hát Thanh Loan, lòng thấy rưng rưng, chan hòa rung động với những hình ảnh và âm thanh ngày cũ…

DVAH
Dallas, Texas 06/12/2005
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn