Thưa Quý vị, sở dĩ Loan thực hiện CD “Vẫn Thương Màu Áo Trận” là để tưởng niệm đến tất cả những ngườI lính VNCH đã hy sinh cho chúng ta có được sự hiện hữu tốt đẹp hôm nay trên xứ lạ quê người. Có rất nhiều bản nhạc, bài thơ nói về đời Lính. Tuy nhiên, theo Loan nghĩ thì có vẻ bóng bẩy và văn hoa quá. Thật ra đời lính phải luôn luôn đối đầu với những gian nan vất vả, mà ít được ai nhắc đến. “Tay ghì súng, nghe mùi tang tóc đâu đây! Trong tâm khảm của người lính luôn mong ước hậu phương được yên vui, mọi người dân có được những bữa cơm, giấc ngủ thật bình yên không bị quấy nhiễu bởi đạn pháo của quân thù. Để rồi những ngày dạo phố cùng người yêu bé bỏng không còn bị giới hạn vì giờ giới nghiêm. Niềm tâm sự của người lính quả thật rất đơn sơ!
KHÁCH THĂM VIẾNG
100,000

Tiếng hát Tri Ân Chân Thành Đối với Người Cựu Chiến Binh QLVNCH

18/04/20171:27 SA(Xem: 12211)
Tiểu bang Colorado vào lúc tàn thu, người lính già (NLG) tôi thấy không chỉ đẹp bằng cảnh rừng Aspen. Đã đồng loạt chuyển sang màu vàng bao phủ những dãy núi đồi của khuôn viên: “Rocky Mountain National Park” tạo nên một cảnh đẹp thơ mộng lôi cuốn hàng ngàn du khách khắp nơi.
Kể từ khi đặt chân lên miền đất tạm dung, nơi có núi cao rừng già để sống nốt quảng đời còn lại của kiếp “Hổ Nhớ Rừng” cái nghề cai rừng tên gọi là “Ranger”, một danh xưng mà NLG tôi lấy làm hãnh diện khi được tuyển lựa đi thụ huấn tại các TTHL của quân đội Hoa Kỳ.

Đứng trước quang cảnh đồi núi, NLG tôi nhớ lại những kỷ niệm vui, buồn, gian khổ, và tình đồng đội thắm thiết trong cuộc đời quân ngũ của mình.

Vì nhiệm vụ, người viết đã từng có mặt tận hang cùng ngõ hẻm, từ đồng bằng đến cao nguyên, băng rừng lội suối, vất vả ngày đêm để thu nhập tin tức của những giặc cướp xâm nhập từ bên kia vĩ tuyến.

Nhớ lại kỷ niệm khó phai lúc chia tay với Phạm Duy Quang, người bạn đồng khóa, Trưởng trại LLĐB/ Làng Vey, đã ngậm ngùi và cương quyết ra lệnh cho toàn thể đơn vị kiệp thời di tản, khi căn cứ bị tràn ngập bởi đoàn xe bọc thép của quân Cộng Sản Bắc Việt lần đầu tham chiến bên bờ nam khu phi quân sự…Vai mang hơn chục cóc mìn Claymore, tay cầm súng trường, lưng mang đầy lựu đạn mini với khẩu Browing, Quang đã ở lại với làng Vey cho đến giờ phút cuối để cho quân trú phòng tại Khe Sanh phản công đánh tan 3 sư đoàn thiện chiến CSBV của tướng CSBV Hoàng Minh Thảo. Khe Sanh đã chiến thắng nhưng Quang đã không còn để nhận lãnh ân thưởng từ bộ tư lệnh của Liên Quân Đồng Minh và QLVNCH.

Cùng với Lê Quang Nghĩa, trưởng trại LLĐB/Phượng Hoàng/Dakto/KonTum, vừa mới chia tay nhau bằng những ly rượu tao ngộ thì khoảng một giờ sau, NLG tôi đã phải ra lệnh trực thăng quay lại để đưa xác Nghĩa đến bệnh viện tẩn liệm để chuyển về cho gia đình.

Thế rồi những tin không may lại dồn dập tiếp nối, các người bạn đồng khóa đã hy sinh tại Pleime, Đức Cơ, xác đưa về An Khê nhờ phương tiện của sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ chuyển về quê quán.

Thương thay! Chiếc C.123 vừa mới cất cánh đã nổ tung trên phi đạo, những thi hài đáng thương của các tử sĩ đã phải thu nhặt lại để tẩn niệm lần thứ hai, và được viết thành danh “người chết 2 lần” trong một bài hát của Trịnh Công Sơn…

Cũng như Vũ Mạnh Hùng, một người bạn thuộc TQLC sau khi giải tỏa trục lộ giao thông cầu Bình Lợi năm Mậu Thân 1968, đã hy sinh trong một trận truy lùng những đơn vị Cộng quân ẩn nấp tại rừng lá, tạo nên bao thương tiếc để cho nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết lên bài hát “ Rừng lá thấp”.
Đồng thời, NLG tôi cũng đón mừng tin Phan Tuấn Kiệt, mọt con Cheo của núi rừng Ban Mê Thuột đã xuất sắc đánh tan đoàn xe tăng CSBV đang bao vây phi trường Phụng Dực đưa toàn bộ binh sĩ cùng gia đình đến nơi an toàn.

Làm thân chiến sĩ là thế đó, một đời tung hoành trong lửa khói đầy gian nguy đã ghi lại những hình ảnh hào hùng, những lưu luyến tình bằng hữu trên những chiến tuyến trong những giờ thập tử nhất sinh…

Giòng đời lặng lẽ trôi mau, như hết Xuân rồi Hạ, NLG chưa vơi hơi Thu mà phải sửa soạn chờ đông đến. Bỗng một hôm, điện thoại reo vang của một người bạn cũ đồng khóa, đã từ lâu không gặp, báo tin và yêu cầu tham dự buổi họp mặt đầu tiên tại Denver của anh em Thủ Đức & Đồng Đế. Nhưngmột điều lý thú là NLG tôi được anh em giao cho công việc đi đón ca sĩ có danh hiệu là “Người yêu của lính” từ miền Bắc California sang.

Lái xe xuống điểm hẹn , lòng NLG tôi thấy rộn rã vui vẻ pha lẫn sự ưu tư chỉ vì giọng trầm ấm của người trong phone để rồi nhớ tới giọng nói êm ái, ngọt ngào của cô em gái Dạ Lan ngày nào. NLG tôi tự hỏi đây là mơ hay thực?

Gặp nhau, sau lời chào hỏi, người con gái đã tự giới thiệu: Ca Sĩ Thanh Loan, ái nữ của một cựu sĩ quan cao cấp xuất thân từ khóa 3 của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, đến Denver, Colorado để góp tiếng hát trong đêm hội ngộ của các cựu sinh viên sĩ quan trường Bộ Binh Thủ Đức và Đồng Đế.

Dù chưa quen với khí hậu nơi miền cao, Thanh Loan vẫn giữ được giọng ca vững vàng, duyên dáng, trầm ấm và truyền cảm. Cô đã cất cao tiếng hát để bày tỏ niềm tri ân chân thành nhất của người em gái nhỏ hậu phương đối với sự hy sinh cao cả của những người anh lính chiến QLVNCH trong suốt chiều dài lịch sử chiến đấu để bảo quốc an dân.

Bằng một cuộc “Đố vui nhạc Lính”, Thanh Loan đã đưa các anh chị quay về với những kỷ niệm của thời gian thật tươi thắm, những buổi hẹn hò đôi lứa giữa những nàng sinh viên bé bỏng với các chàng trai thời loạn….

Toàn thể cử tọa trong hội trường bày tỏ sự mến mộ Thanh Loan, đồng loạt đã yểm trợ mạnh mẽ cuốn CD “Vẫn Thương Màu Ao Trận” với tiếng hát của cô được phát hành vào tuần tháng 8/2005.

Tiếng hát Thanh Loan cùng với chân tình của đêm hội ngộ đã xua tan vùng trời băng giá trên thành phố Denver.

Đáp lại tấm chân tình của người em gái hậu phương, các anh chị tại Colorado đã hướng dẫn Thanh Loan đi xem những thắng cảnh nổi tiếng như “Red Rock Ampitheater”, một sân khấu lộ thiên có sức chứa trên 5000 khán giả, là nơi dừng chân của những ca sĩ, những ban nhạc nổi tiếng, trình diển trong những dịp hè… “Royce Gorge Bridge” chiếc cầu treo cao nhất thế giới của thành phố Canyon City, cũng là nơi tọa lạc một trại tù kiên cồ nhất nước Mỹ.

Đền Nữ Thánh Cabrini, cũng được Thanh Loan quá bước, dâng lời cầu nguyện cho đất nước sớm được yên bình cho người dân Việt sống đời ấm no.
Thanh Loan cũng đã đến Vương Quốc trượt tuyết Aspen và Vali trên quốc lộ I-70, nơi chuẩn bị các môn thi đấu của Thế Vận Hội Mùa Đông…cũng như những cánh muôn màu muôn sắc bay lượn trong “Butterfly Papvillion Center” sẽ giúp cho Thanh Loan quên được những “cánh bướm cuồng si” lòng đầy những mến mộ mù mờ đầy ma quái chực chờ đeo bám Thanh Loan…

Với tấm lòng ngưỡng mộ đối với những người anh trai tiền tuyến, Thanh Loan rụt rè đề nghị xin được hộ tống đến tận Hawaii, trong ngày Đại Hội Truyền Thống lần thứ XIV, tổ chức tại Honolulu của quí anh cựu sĩ quan khóa XI Đồng Tiến.

Sau một chuyến bay thật dài, Thanh Loan được các anh tiếp đón một cách nồng hậu bằng những tình cảm chân thành như thủa nào như các anh trai đã gói ghém những món quà từ những tiền đồn xa xôi để trao tận tay cho “Dạ Lan” người em gái nhỏ thân thương của các anh trai tiền tuyến, một giọng nói đã làm ấm lòng người lính chiến đang ghì súng, kiên tâm chờ giặc dưới giao thông hào vào những đêm lạnh giá…

Hawaii,một hải đảo thần tiên, nơi chan chứa những cảnh trí thiên nhiên với đủ loại kỳ hoa dị thảo muôn màu muôn vẻ, những cuộc dạo thăm những cảnh trí thần bí với những cổ tục lạ lùng của dân tộc địa phương như thời đại hoang sơ trung cổ, đặc biệt là điệu vũ “Lắc Mông” tuyệt vời của những cô gái Hạ Uy Di.

Trong ngày đại hội, lần đầu tiên trong đời, Thanh Loan được diện kiến với những “Bóng Ma Biên Giới”, trách nhiệm về các cuộc hành quân trong nội địa cũng như ngoại biên. Những người anh đã từng giữ vững những miền biên cương tại 6 trại LLDB/Biên Phòng…

Những thước phim tài liệu ghi lại những trận đánh giải tỏa Đô Thành hay giải vây An Lộc của các đơn vị đặc biệt và thiện chiến của QLVNCH, máu của các anh em SQ khóa XI Đồng Tiến đã đổ trên khắp chiến trường của 4 vùng chiến thuật, tô thắm màu cờ sắc áo cho đơn vị, đập tan các hang ổ của Cộng quân nhất là núi Cô Tô của vùng Thất Sơn huyền bí.

Thanh Loan cũng đã lắng nghe những thử thách gian nan mà các anh phải gánh chịu sau ngày Quốc Hận 30-4-1975. “Học tập ư! Roi đòn vun vút…Cải tạo ư! Báng súng với lưỡi lê…!!. Có những người đã đứng lên ngăn chận, phá tan âm mưu của những kẻ cam tâm phản bội anh em, làm tay sai cho giặc mà hậu quả là những trận đòn thù còn in đậm khắp trên thân thể cho đến nay.

Honolulu lần đầu tiên được chứng kiến một lễ hội truyền thống, Thanh Loan đã tung tăng với tiếng hát truyền cảm, nũng nịu, dễ thương cùng lối trình diễn sống động lại những nét hào hùng của người lính chiến QLVNCH. Tiếng hát của Thanh Loan đã át đi những tiếng sóng biển đang rì rào hay gầm thét ngoài khơi. Không gian và thời gian trong hội trường lắng đọng với lòng người như muốn chia xẻ với Thanh Loan, một người sanh sau đẻ muộn mà luôn thương yêu, cảm thông những nỗi hy sinh mất mát cùng với chiến công hiển hách của các bậc cha anh.

Trước khi trở về đất liền để đóng góp tiếng hát trong đêm văn nghệ cứu trợ nạn nhân trận bão Katrina tại Wichita Kansas, Thanh Loan đã đi thăm những đền kỷ niệm chiến hạm USS Arizona ở Pearl Habor để tưởng niệm các chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh trong trận đánh phủ đầu của quân đội Nhật trong thế chiến thứ hai.

Mặc cho mùa đông đã đến sớm trên miền cao, Wichita/Kansas chỉ mới bắt đầu nhuộm sắc với những lá phong/Aspen vàng rơi rụng lác đác đó đây trên đường phố làm xao xuyến những người Việt luôn mang nỗi buồn xa xứ.

Đêm văn nghệ gây quỹ cứu trợ đồng bào nạn nhân cơn bão Katrina được tổ chức khá chu đáo, số người tham dự đã vượt quá mức dự tù của BTC, chứng tỏ lòng tương thân tương trợ của người Việt Nam chúng ta tại địa phương luôn được duy trì theo truyền thống dân tộc, cùng với một số ca sĩ khác đến từ bờ biển phía Tây, Thanh loan đặc biệt với hai má lúm đồng tiền xinh xắn, xuất hiện trong bộ quân phục màu áo hoa rừng, xứng đáng với danh phong “Người Yêu Của Lính”, bằng những liên khúc về tính lính và đời lính cùng với những bài ca ghi lại những tình cảm yêu thương rạt rào về đời lính của người em gái nhỏ vốn luôn được ân cần dạy dỗ của mẹ cha: “Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân…” đã làm say đắm cả hội trường nhất là một số đông người hùng thuộc các quân binh chủng đã bồi hồi xúc động luyến nhớ về những kỷ niệm êm đềm của một thời “Em hậu phương, Anh tiền tuyến”. Có một số khách hào hoa muốn hóa thân làm kiếp bướm để nhởn nhơ bay lượn trong “Vườn hoa tình ái” nhưng phải đành rũ cánh, ôm chặt mối tình si vì chợt thấy Body Guard của Thanh Loan vốn là một cựu sĩ quan, vẫn còn đầy đủ phong độ của một thời dạn dầy sương gió…

Trên suốt chặng đường dài gần 500 dặm trở lại Denver, những cành đồng lúa vàng bait ngàn thẳng tắp với những đàn gia súc nhởn nhơ nhìn ngắm những dàn khoan dầu lộ thiên dọc theo hai bên đường , đã làm cho Thanh Loan ngậm ngùi thương tiếc cho quê hương mình sao cứ mãi chịu kiếp sống lầm than nghèo khó dưới sự cai trị của kẻ vốn từ sâu bọ lên làm người, huênh hoang khoác lác...

Phi trường Denver, lớn và hiện đại nhất thế giới, lúc nào cũng rộn rịp khách đến, khách đi...Trong khi chờ đợi boarding, tâm tình của người ca sĩ luôn hát cho đời để nhắn nhủ cho mọi người đừng bao giờ quên đi sự hy sinh mất mát của một lớp người trai trẻ đã chọn cho mình một kiếp sống chinh nhân, Thanh Loan khe khẻ: "Lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi !!!"

Loa phóng thanh nhắc nhở đã đến giờ lên tàu, NLG chỉ còn kịp chỉ cho Thanh Loan xem những bông hoa tuyết đầu mùa đã bắt đầu rơi nhẹ phủ lên thân tàu và đó đây dọc theo phi đạo...Không nghĩ ngợi gì Thanh Loan chợt mĩm cười: “Anh ơi có phải ngoài trời đang mưa…anh ơi có phải trời đã sang Đông…”, với cái xiết tay cám ơn và từ giã để trở về với cuộc sống bình thường hạnh phúc yên vui.

Lên xe, trở về với thực tại của một “Ranger”, NLG chép miệng: “Chiều mưa biên giới…anh đi về đâu?” Để rồi đêm về bên ly rượu đắng, ngâm thơ Hồ Trường…

Cám ơn Thanh Loan đã đồng ý cho NLG này ghi lại những giòng kỷ niệm của một chuyến đi, và cũng với những giòng tâm sự này, xin chuyển đến những bậc sinh thành ra Loan, rằng Người đã không hoài công để có một đứa con yêu quí đã nhắc nhỡ cho đời về tấm lòng tri ân thiết tha và nồng thắm dành cho những người đã hy sinh đời trai trẻ, đem xương máu quyết một lòng bảo vệ quê hương và dân tộc…

Cám ơn Thanh Loan thật nhiều, cầu chúc Thanh Loan luôn tươi trẻ hát nhiều và hay hơn nữa, để nhắc người đời luôn giữ mãi trong tâm tư những tình cảm mến thương và luyến tiếc dành cho những con người xứng đáng với danh xưng: Người Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và câu nói thân thương: “YOU ARE NOT FORGOTTEN”.

Những ngày vào đông nơi miền cao xứ tuyết. Colorado 11/2005

T.N.B
(NGƯỜI LÍNH GIÀ KHÓA 11/ĐỒNG TIẾN)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn