Thưa Quý vị, sở dĩ Loan thực hiện CD “Vẫn Thương Màu Áo Trận” là để tưởng niệm đến tất cả những ngườI lính VNCH đã hy sinh cho chúng ta có được sự hiện hữu tốt đẹp hôm nay trên xứ lạ quê người. Có rất nhiều bản nhạc, bài thơ nói về đời Lính. Tuy nhiên, theo Loan nghĩ thì có vẻ bóng bẩy và văn hoa quá. Thật ra đời lính phải luôn luôn đối đầu với những gian nan vất vả, mà ít được ai nhắc đến. “Tay ghì súng, nghe mùi tang tóc đâu đây! Trong tâm khảm của người lính luôn mong ước hậu phương được yên vui, mọi người dân có được những bữa cơm, giấc ngủ thật bình yên không bị quấy nhiễu bởi đạn pháo của quân thù. Để rồi những ngày dạo phố cùng người yêu bé bỏng không còn bị giới hạn vì giờ giới nghiêm. Niềm tâm sự của người lính quả thật rất đơn sơ!
KHÁCH THĂM VIẾNG
100,000

Mai Loan - Tiếng Hát Đẹp Của Một Tình Yêu

18/04/20171:32 SA(Xem: 13233)
Nhân chuyến trở lại Denver – Colorado dự đêm giới thiệu CD thơ “Vẫn Là Viễn Mộng” của nhà thơ Trần Hữu Hoàng vào cuối tháng 12/2005, tôi được gặp anh Bảy, người có biệt danh “Người Lính Già”, nguyên là sĩ quan QLVNCH, khóa 11 Đồng Tiến. Tuy mới sơ giao nhưng tôi có ấn tượng và rất quí mến anh Bảy, “Người Lính Già” nhưng tâm hồn rất trẻ, rất “bụi” và nhất là rất có máu văn nghệ. Giữa tháng 5/2006, anh Bảy gửi tặng tôi 2 CD “Nếu Vắng Anh” và “Vẫn Thương Màu Áo Trận” với tiếng hát Thanh Loan. Món quà rất thú vị và bất ngờ, vì nghe tiếng Thanh Loan đã lâu, nhưng chưa có dịp được thưởng thức giọng hát rất được nhiều người mến mộ, nhất là những chiến hữu đã từng trải qua một thời binh lửa, một thời oanh liệt nhưng cũng đầy gian khổ, đầy lãng mạn nhưng cũng đầy mồ hôi và máu của những người lính. Tôi gọi phone cám ơn “Người Lính Già” :”Cám ơn anh Bảy rất nhiều. Tối nay là weekend, tôi sẽ tha hồ thưởng thức tiếng hát Thanh Loan.” Nói vậy chứ nghe nhạc một mình, không có ai chia xẻ thì chán lắm, tôi phone cho anh HNT, người bạn thân, nguyên trước đây là Đại úy lôi hổ, cũng là một tay rất thích nhạc lính:”Hello, có quà bất ngờ đây. Chuẩn bị bia bọt nghen! 20 phút nửa tôi đến!”.

Căn nhà của HNT phía sau có khu vườn khá rộng, một hồ cá nhỏ trang trí hòn non bộ rất hữu tình. Ở đây ngồi nhâm nhi bia, nghe nhạc thì tuyệt. HNT đón tôi, cười rất tươi:”Quà bất ngờ gì đây bạn hiền? Hôm nay tụi nhỏ đi vacation hết, anh em mình tha hồ mà hưởng.” Tôi làm ra vẻ bí mật:”Thì ông cho tôi mượn cái laptop, đem ra ngoài nầy nghe nhạc. Vừa nghe vừa lai rai. Nghe rồi mới biết. Biết rối mới khen hay chê là tùy ông.”

Hai chúng tôi im lặng trầm ngâm, thỉnh thoảng hớp một ngụm bia, hít một hơi thuốc lá, để tâm hồn trôi theo giòng nhạc và tiếng hát…

Nửa đêm, những âm thanh và giọng ngân nga sâu lắng cuối cùng trong bản nhạc Sao Chưa Thấy Hồi Âm trong CD Vẫn Thương Màu Áo Trận vừa dứt, HNT rót thêm bia vào ly, gật gù sảng khoái: ”Lâu lắm mới nghe được một CD có chủ đề về Lính tuyệt vời như thế nầy. Tiếng hát Thanh Loan rất đẹp, rất có tình, rất tự nhiên mà rất thấm. Nghe Thanh Loan hát, giòng hồi ức của mình về một thời khoác áo trận hiện ra rất rõ. Cảm động quá! Tiếng hát đã làm sống lại một thời tuổi trẻ ngang tàng đầy hào khí. Nhớ và thương anh em bạn bè quá, nhất là những anh em đã nằm xuống và những anh em còn kẹt lại ở quê nhà.” HNT trầm giọng, môi ngậm điếu thuốc còn cháy dở, tay cầm cái vỏ CD, nheo mắt đọc và nói: “Bạn cho tôi nghe lại Người Yêu Của Lính, Chiều Mưa Biên Giới một lần nữa đi! Đã quá!” Tôi chìu bạn, mở máy theo yêu cầu. Đến đoạn cuối cùng của bài hát Chiều Mưa Biên Giới, HNT giơ tay gỏ nhịp vào khoảng không, hát theo một cách tận tình:”…lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi…!!! Hát xong, HNT cười sảng khoái :”Nguyễn Văn Đông tuyệt vời!!!Thanh Loan tuyệt vời!!!”. Tôi cao hứng đọc thêm mấy câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn, một thi sĩ nổi tiếng viết về đời lính, tác giả tập thơ Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi từng gây chấn động một thời : “…Mùa này gió núi mưa bưng. Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan. Mùa này gió bãi mưa ngàn. Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà. Những thằng lính trẻ hào hoa. Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh. Lao mình trong cuộc phân tranh. Tiếc thương xương máu sinh thành được ư?!...HNT hớp thêm một ngụm bia: “Tay nầy làm thơ ác chiến chịu chơi nhưng cũng thâm trầm lắm. Cũng OK lắm. Dzô nữa đi!!! Đêm nay ông nghỉ lại đây với tôi. Weekend mà. Lo gì!”. Tôi đưa tay tắt máy laptop. Đêm về khuya càng tịch mịch, chỉ còn tiếng nước chảy róc rách, đều đều trong hồ nước có hòn non bộ. Đêm ửng lên một màu xanh thẫm. Tôi ngã người trên chiếc sofa cũ ngoài hiên, phả nhẹ khói thuốc, nhớ lại cuộc trò chuyện với “Người Lính Già” hôm tuần rồi. Cuộc trò chuyện khá lâu trên điện thoại. “Người Lính Già” vẫn còn nguyên vẹn chất lính, đầy sức sống, đầy tình cảm, nhất là những ân tình của anh đối với những người yêu lính.

Sau khi nghe Thanh Loan hát, tôi đã cảm nhận được những lời “Người Lính Già” nói về Thanh Loan. Thật vậy, với chất giọng dù chưa đạt đến trình độ kỹ thuật thanh nhạc cao như các bậc đàn chị như Thanh Tuyền, Phương Dung, Phuơng Hồng Quế, nhưng tiếng hát Thanh Loan đã thu hút được người nghe vì trong chất giọng đã thể hiện được niềm tri ân, tri tình đối với người lính QLVNCH một cách đầy cảm xúc và sâu lắng. Qua tìm hiểu, được biết Thanh Loan đã có một thời thơ ấu rất đẹp tại Nha Trang, miền thùy dương cát trắng thơ mộng và trữ tình, cộng với một huyết thống cũng rất đẹp: Thân phụ, các bác, các chú, các cậu của Thanh Loan đều phục vụ trong các quân binh chủng Hải, Lục, Không quân của QLVNCH (thân phụ Thanh Loan nguyên là sĩ quan khóa 3 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.) Quê mẹ của Thanh Loan ở Bắc Ninh, nơi nổi tiếng một vùng tao nhân mặc khách tài hoa và cũng là nơi xuất phát nghệ thuật dân ca quan họ, một thể loại âm nhạc truyền thống trứ danh của dân tộc. Có thể nói, trong tâm hồn của Thanh Loan được hòa quyện hai tính cách chiến sĩ và nghệ sĩ. Sự hòa quyện đó được thăng hoa bởi một niềm đam mê với một năng khiếu “trời cho” nên đã giúp cho Thanh Loan ngày càng trưởng thành. Điều cảm động nhất khi đọc những bài viết về Thanh Loan, khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo :”Tại sao Thanh Loan thích hát những bài hát viết về người lính?” Thanh Loan trả lời không cần suy nghĩ: “Thanh Loan hát để bày tỏ lòng tri ân”. Câu trả lời ngắn gọn nhưng hàm súc nhiều ý nghĩa biết bao!. Thanh Loan đã từng tham dự nhiều buổi văn nghệ kỷ niệm ngày Quân Lực 19/6, cũng như các cuộc họp mặt các quân binh chủng tổ chức tại Denver-Colorado, Hawaii, Honolulu… Gần đây, Thanh Loan cũng tham gia tiếng hát của mình trong đêm văn nghệ cứu trợ nạn nhân trận bão Katrina tại Wichita, Kansas…

Được biết, trong dịp kỷ niệm ngày Quân Lực 19/6/2006 tới đây, ca sĩ Thanh Loan sẽ phát hành ra mắt CD âm nhạc mới với chủ đề “Gửi Anh, Người Lính Ngày Xưa” gồm 10 ca khúc đặc sắc của các nhạc sĩ nổi tiếng như : Gửi Người Giới Tuyến (Nhật Lệ), Chiều Hành Quân (Lam Phương), Lính Nghĩ Gì? (Hoài Linh), Tình Thư Của Lính (Trần Thiện Thanh), Hận Ly Hương (Anh Hoa), Bên Bờ Đại Dương (Hoàng Trọng), Trăng Tàn Trên Hè Phố (Phạm Thế Mỹ), Tình Anh Lính Chiến (Lam Phương), Giờ Nầy Anh Ở Đâu (khánh Băng), Hàng Hàng Lớp Lớp (Nguyễn Văn Đông). Rất hy vọng CD âm nhạc mới nầy sẽ mang đến cho những người mộ điệu tiếng hát Thanh Loan một bữa tiệc âm nhạc phong phú, rất đẹp ân tình và rất đẹp âm nhạc.

Ông bạn già HNT của tôi đã vào phòng ngũ. Cơn say lâng lâng nhẹ nhàng nhưng những giòng suy tưởng vẫn còn thao thức. Tôi đứng dậy bước ra sân cỏ. Vươn vai hít một hơi dài thật sảng khoái, tôi tự thưởng mình bằng một ngụm trà ấm sau khi bước vào nhà. Sẳn có cái laptop, tôi mở máy, ghi lai vài câu thơ cảm tác sau một đêm vừa được say âm nhạc và say bia với bạn hiền:

Giọng hát em đẹp tựa áng mây
Quê hương xa khuất bóng trăng gầy
Chinh chiến một thời bao luân lạc
Áo trận chưa nguôi hồn đắm say…

Gõ xong 4 câu thơ mơ hồ lãng đãng, tôi click vào power CD, nghe lại tiếng hát Thanh Loan trong bài Chiều Mưa Biên Giới. Đêm thanh vắng, tiếng hát tha thiết đến nao lòng : Đêm đêm chiếc bóng bên trời, vầng trăng xẻ đôi vẫn in hình bóng một người…Tôi thầm nhủ :”Cám ơn Thanh Loan, tiếng hát đẹp của một tình yêu đẹp!!! Cầu mong Thanh Loan sẽ còn đi rất xa trên con đường âm nhạc, nhất là những bài hát về Lính, những người lính QLVNCH oai hùng và nhân hậu.”

26/5/2006
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn