Thưa Quý vị, sở dĩ Loan thực hiện CD “Vẫn Thương Màu Áo Trận” là để tưởng niệm đến tất cả những ngườI lính VNCH đã hy sinh cho chúng ta có được sự hiện hữu tốt đẹp hôm nay trên xứ lạ quê người. Có rất nhiều bản nhạc, bài thơ nói về đời Lính. Tuy nhiên, theo Loan nghĩ thì có vẻ bóng bẩy và văn hoa quá. Thật ra đời lính phải luôn luôn đối đầu với những gian nan vất vả, mà ít được ai nhắc đến. “Tay ghì súng, nghe mùi tang tóc đâu đây! Trong tâm khảm của người lính luôn mong ước hậu phương được yên vui, mọi người dân có được những bữa cơm, giấc ngủ thật bình yên không bị quấy nhiễu bởi đạn pháo của quân thù. Để rồi những ngày dạo phố cùng người yêu bé bỏng không còn bị giới hạn vì giờ giới nghiêm. Niềm tâm sự của người lính quả thật rất đơn sơ!
KHÁCH THĂM VIẾNG
100,000

Tiếng Hát Sưởi Ấm Lòng Người...

18/04/20171:42 SA(Xem: 13055)
Nhận lời mời của Hội Cựu SVSQ/TB/TĐ Michigan để hát cho đêm Văn Nghệ và Dạ Vũ gây quỹ giúp TPB/VNCH tại quê nhà, chẵng biết Thanh Loan có ngại ngùng không. Vì Michigan là một trong những tiểu bang nằm tận cùng về phía Bắc của nước Mỹ. Thời tiết rất lạnh. Vào mùa đông, hàn thử biểu chỉ dưới 32 độ F là chuyện bình thường. Loan quen sống tại vùng nắng ấm Cali, và thung lũng điện tử đã là quê hương thứ hai kể từ khi trốn chạy khỏi “Thiên đường Cộng sản” vì lý tưởng Tự Do, làm người lưu vong tỵ nạn. Nhưng Loan tâm sự: “Ở đâu có những buổi gây quỹ yểm trợ cho TPB/QLVNCH, dù đường xa cách trở thế nào đi chăng nữa, Loan vẫn cố gắng tham dự với ân tình của người em gái hậu phuơng đã trót cưu mang. Loan đến với những người chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì lý tưởng TỰ DO, vì LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ. Loan hát như để tri ân, hát như để nói lên những trang sử hào hùng, và chịu chung niềm đau của dân tộc. Loan hy vọng với tiếng hát lời ca của người em nhỏ này sẽ làm xoa dịu bớt những xót xa, mất mát của những người lính già xa quê hương.”

Trong đêm Văn nghệ và Dạ vũ, Thanh Loan thật sự đã nhập cuộc. Là người con của lính, vì Bố, Bác, Cậu đều là những người lính Cộng Hòa; và chắc chắn Loan cũng có một người yêu là lính:

“Nếu em không là người yêu của lính,
Ai mang cánh hoa rừng về tặng em,
Ai băng gió sương cho em đợi chờ,
Ai kể chuyện đời lính cho em nghe?”
(Trần Thiện Thanh)

nên Loan đã đến với buổi trình diễn Văn nghệ gây quỹ do những người lính già xa quê hương muốn làm một cái gì đó cho đồng đội của mình kém may mắn, giữa đường gãy cánh, đang sống kiếp đọa đày nơi quê nhà dưới chế độ bạo tàn của Cộng sản.

Tình cờ tôi gặp Thanh Loan trong buổi Văn nghệ gây quỹ do Hội Cựu SVSQ/TB/TĐ St, Louis, Missouri vào hồi thượng tuần tháng 6 năm 2006. Khi tôi hỏi đồng môn Vũ Ngọc Hải, cũng là một chiến hữu tại Sư đoàn 18BB, anh cho biết là ngoài ca sĩ Lệ Hằng và Phu quân Nguyễn Phương Hùng, cũng là một chiến hữu cùng đơn vị mũ nâu của tôi lúc còn ở Liên đoàn 3 BĐQ, còn có ca sĩ Thanh Loan, cũng đến từ Cali.

Thú thật tôi không biết Thanh Loan là ai. Tôi hỏi anh Ngô Sỹ Hân, nhà văn, nhà báo cùng hội Thủ Đức đi chung với tôi thì anh ấy cũng chẵng biết “mô tê” chi hết. Khi vào hội trường, tôi được giới thiệu với Thanh Loan. Thanh Loan trong bộ quân phục rằn ri, trông rất ngộ nghĩnh. Với nụ cười duyên dáng, được trang điểm thêm hai má lúm đồng tiền, thoạt gặp là tôi đã có cảm tình ngay. Tôi nghĩ không cần phải có giọng ca “vượt thời gian và không gian” như một số ca sĩ tài danh mà tên tuổi của họ đã gắn liền với cuộc sống của người dân miền Nam, chắc chắn Thanh Loan sẽ được giới thưởng ngoạn âm nhạc đón nhận nồng nhiệt, nhất là những người lính già, từng một thời oanh liệt, nay như con hổ của Thế Lử:

“Gấm một mối căm hờn trong củi sắc ,
Ta nằm chờ…tháng ngày qua.”

Lúc nhỏ sống vì tương lai, tuổi trẻ sống vì hiện tại, và về già sống vì quá khứ. Tiếng hát của Thanh Loan trầm ấm, với giọng ca khàn đục, rất thích hợp với những bản nhạc về lính, nên đã dể dàng lôi cuốn giới thưởng ngoạn lớn tuổi. Những người từng có một quá khứ lẫy lừng, nay phải chôn chặt để sống cuộc đời lưu vong tỵ nạn.

Được biết Thanh Loan gia nhập làng âm nhạc từ hơn mười năm nay. Ban đầu là trên sân khấu của các buổi trình diễn văn nghệ địa phương, hát cho Ban nhạc Ngô’s Family Band, Loan thướt tha trong chiếc áo dài cổ truyền. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, nhờ sự dìu dắt của Nhạc sĩ Thanh Lập, người điều khiển những buổi văn nghệ, bước đường nghệ thuật của Thanh Loan như được chấp cánh bay cao. Và từ đó Thanh Loan đã chọn cho mình một thế đứng riêng. Thay vì tha thướt trong chiếc ái dài cổ truyền, bây giờ Loan xuất hiện sinh động và duyên dáng trong những bộ quân phục của các binh chũng Hải Lục Không quân của Quân lực VNCH oai hùng. Trông Thanh Loan trong những bộ quân phục trận làm ta liên tưởng đến những những người Nữ quân nhân QLVNCH duyên dáng, nhưng rất kiêu hùng thuở nào. Họ là hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu, những anh thư liệt nữ hào kiệt của lịch sử hơn 4 ngàn năm mở nước, dựng nước và chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Nghe Thanh Loan hát những bài nhạc lính, khán giả như tìm lại được những mãnh đời đã mất với biết bao kỹ niệm buồn vui của cuộc đời quân ngũ.

Cho đến nay, Thanh Loan đã thực hiện nhiều CD tình ca như Tôi Nhớ Tên Anh, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Căn Nhà Ngoại Ô, Bến Giang Đầu,…và một CD đọc truyện. Trong CD đọc truyện, nghe giọng đọc của Thanh Loan làm người ta liên tưởng đến Dạ Lan, người em gái hậu phương một thuở nào trong chương trình Dạ Lan của Đài phát thanh Quân đội. Một chương trình rất được những người lính trận như chúng tôi say mê.

Đặc biệt Thanh Loan đã thực hiện được hai CD mang chủ đề về lính: “Vẫn Thương Mầu Áo Trận” và “Gửi Anh Người Lính Ngày Xưa”. Khán giả Michigan chưa quen với Thanh Loan. Thế mà chỉ mới gặp mặt, qua một vài bản nhạc lính Thanh Loan vừa trình diễn, gần 50 CD mang theo, Loan đã bán sạch.

Qua hai buổi trình diễn của Thanh Loan, một tại St. Louis, và một tại Michigan, tôi thấy Thanh Loan đến với Buổi Văn nghệ gây quỹ không chỉ với tư cách của một nghệ sĩ trình diễn giúp vui, mà Thanh Loan thật sự đã nhập cuộc. Tại Buổi Văn nghệ gây quỹ vừa qua tại Michigan, Thanh Loan khi thì làm MC cùng với Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thuyết, khi thì như một thành viên của Ban Tổ Chức, mang thùng quyên tiền, theo sau ca sĩ Phương Dung, len lỏi trong những hàng ghế khán giả để đón nhận những đồng dollars ân tình của khán giả đóng góp cho chương trình gây quỹ để giúp TPB/VNCH tại quê nhà. Mỗi lần trình diễn, Thanh Loan thường cầm micro đi xuống khán giả, vừa hát vừa tâm tình làm cho Hội trường sôi động hẳn lên. Khi Thanh Loan hát bản “Lối Về Đất Mẹ”, len lỏi trong những hàng ghế của khán giả, chợt Thanh Loan dừng lại trước một bà cụ đầu tóc bạc phơ. Loan đã ôm chầm lấy bà cụ, bà cụ đã nghẹn ngào, ôm Thanh Loan và thổn thức. Cả Hội trường như lắng đọng, tất cả các ống kính quay phim và chụp hình quy tụ lại để cố ghi một hình ảnh đẹp và rất có ý nghĩa.

Đêm văn nghệ gây quỹ với sự đóng góp của Thanh Loan đã làm cho không khí sôi động ngay từ phút đầu. Mặc dù bên ngoài trời lạnh, rất lạnh, vì đang là mùa Đông; nhưng bên trong Hội trường vẫn nồng ấm, và chứa chan tình người. Mong rằng Thanh Loan vẫn giữ mãi sắc thái riêng biệt của mình để người đời mỗi khi nhắc đến Thanh Loan thì không thể lẫn lộn với một ai khác.

Michigan, Mùa Lễ Tạ Ơn năm 2006
Bảo Định
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn